Nguyên nhân thất bại Quân_lực_Việt_Nam_Cộng_hòa

Tuy trang bị hùng hậu, song thực tế tác chiến cho thấy khi không có quân Mỹ hỗ trợ, quân đội này thường thất trận khi đối đầu với bộ đội chủ lực của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Chỉ sau gần 2 tháng của Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Quân lực Việt Nam Cộng hòa với hơn 1,2 triệu quân hoàn toàn bị đánh bại và tan rã. Thất bại của Quân lực Việt Nam Cộng hòa thậm chí diễn ra còn nhanh hơn cả dự đoán của các cố vấn Mỹ. Các nhà nghiên cứu đã liệt kê một số nguyên nhân để lý giải cho sự sụp đổ to lớn và toàn diện này.

Không có sự ủng hộ của người dân

Về chiến lược quân sự, Quân lực Việt Nam Cộng hòa thiếu sự ủng hộ của nhân dân (nhất là ở nông thôn)[37]. Gregory Daddis nhận xét: Những hành vi tội ác của Quân lực Việt Nam Cộng hòa khiến người dân xem họ như kẻ thù. Một nông dân kể rằng "Khi quân đội Cộng hòa tới, mọi người trong làng đều bị đe dọa... Quân đội thoải mái đánh đập bất cứ ai, giết bất cứ ai", người khác kể rằng "cứ mỗi lần quân đội Quốc gia tới thì lại càng có nhiều người dân kết thân với Việt cộng". Khi được hỏi tại sao người dân không ủng hộ chính phủ Sài Gòn, một người dân trả lời "vì quân đội Quốc gia... thường xuyên đốt nhà của dân làng và hiếp dâm phụ nữ". Không có cách nào để quân đội Việt Nam Cộng hòa có thể đánh bại đối phương khi mà người dân đã xa lánh họ và quan hệ thân thiết với quân Giải phóng[38].

Theo nhà sử học Vũ Ngự Chiêu[39] thì Quân lực Việt Nam Cộng hòa chỉ có thể kiểm soát hoàn toàn được khoảng 20-30% dân số miền Nam. Phân nửa lãnh thổ với khoảng 1/3 dân số sống trong vùng tranh chấp. Phần còn lại sống trong những vùng do Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam kiểm soát. Ngay trong dân chúng ở vùng do Việt Nam Cộng hòa kiểm soát, nhiều người cũng không ủng hộ quân đội, những người này ngầm ủng hộ quân Giải phóng, hoặc chia làm nhiều phe phái chống lại nhau vì những lý do như tôn giáo (Thiên Chúa giáo - Phật giáo), sắc tộc (người Việt - người Hoa), vùng miền (người miền Bắc - người miền Nam)[40]

Nhờ có được sự ủng hộ từ người dân, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam áp dụng hiệu quả chiến lược chiến tranh nhân dân, do đó Quân lực Việt Nam Cộng hòa bị dồn ép liên tục, phải trải quân khắp nơi để giữ đất. Toàn bộ 13 Sư đoàn và 17 Liên đoàn Biệt động quân (tương đương với 5 sư đoàn) phải bảo vệ 44 tỉnh, tính trung bình một tỉnh chỉ được 1 tới 2 Trung đoàn chính quy đóng giữ. Trong khi đó quân Giải phóng miền Nam do nắm thế chủ động chiến lược có thể tập trung hơn 10 Trung đoàn để đánh một tỉnh như tại Ban Mê Thuột tháng 3/1975.

Sự phụ thuộc vào quân đội Mỹ

Một cố vấn Mỹ và binh lính VNCH

Theo nhà nghiên cứu quân sự Nguyễn Đức Phương trong bài viết "Việt Nam Cộng hòa 1975, nguyên nhân sụp đổ" thì một trong các nguyên nhân Quân lực Việt Nam Cộng hòa thất bại là vì được "tổ chức rập khuôn theo lối Mỹ, một lính tác chiến có năm người yểm trợ như tiếp liệu, quân nhu, quân y, hành chính… Quân số tuy đông nhưng trên thực tế lính tác chiến chưa tới 200 ngàn người, thành phần không tác chiến (non combatant) chiếm khá nhiều, Địa phương quân và Nghĩa quân thì chỉ đủ sức cầm cự chờ lính bộ binh của Sư đoàn". Lối đánh này sử đụng tối đa hỏa lực nên vô cùng tốn kém, đòi hỏi phải cung cấp rất nhiều về vũ khí đạn dược. Mỗi năm Quân lực Cộng hòa cần hơn 3 tỷ đôla viện trợ mới đủ để duy trì sức chiến đấu, trong khi Quân Giải phóng miền Nam chỉ cần khoảng 300 triệu đôla là đủ để củng cố lực lượng. Kết quả tất yếu là khi bị Mỹ giảm viện trợ, nhiều máy bay, xe tăng, tàu chiến… thiếu cơ phận thay thế đã trở thành bất khiển dụng. Hỏa lực Không quân giảm 60% so với năm 1972. Dự trữ đạn dược tuy còn tới hàng trăm nghìn tấn (gấp 15 lần đối phương), nhưng nếu tiêu tốn nhanh như chiến thuật mà Mỹ áp dụng thì chỉ đủ đánh cho tới tháng 6 năm 1975.

Tuy Quân lực Việt Nam Cộng hòa có ưu thế số lượng nhưng về mặt phẩm chất vũ khí không có ưu thế. Xe tăng chỉ có M48 Patton tương đương với T-54, pháo 155 và 105 ly tầm bắn tối đa chỉ được 15 và 11 cây số, ngang với pháo 122 ly cấp Sư đoàn của Quân Giải phóng miền Nam, pháo 175 ly thì không có nhiều. Hơn nữa do phải chiến đấu nhiều năm trong điều kiện bị áp đảo về hỏa lực nên Quân Giải phóng miền Nam, có kinh nghiệm hơn hẳn về ngụy trang và phản pháo, trong khi Quân lực Việt Nam Cộng hòa vì quen dựa dẫm vào yểm trợ hỏa lực của Mỹ nên thường bị lúng túng khi phải tự lực chiến đấu. Các tướng lĩnh Mỹ đã nhận xét: "Hiệu quả chiến đấu của Quân lực Việt Nam Cộng hòa không đều, họ đứng vững được bởi sự trợ giúp của các cố vấn Mỹ và hỏa lực yểm trợ mạnh mẽ của Mỹ từ trên không... Điểm yếu nội tại trong cấu trúc chỉ huy là họ tỏ ra quá phụ thuộc vào yểm trợ hỏa lực của Mỹ"[41][42].Chính phủ Việt Nam Cộng hòa không được tự đưa ra được quyết sách gì, chính sách từ lớn xuống bé đều do Tòa Đại sứ Mỹ, các tướng lĩnh MACV (Trung tâm chỉ huy tác chiến Hoa Kỳ tại Việt Nam), và sau này là USAID (Cơ quan quản lý viện trợ Hoa Kỳ) soạn thảo, đôn đốc thực hiện. Đại sứ Ellsworth Bunker và rồi Graham Martin có quyền lực không khác gì những “Toàn quyền Đông Dương” của Pháp trước kia – dù Việt Nam Cộng hòa không ngừng tự xưng là "Đồng minh" của Mỹ. Tổng chỉ huy quân đội là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vốn khởi đầu binh nghiệp làm thông ngôn cho quân Pháp. Bản thân ông lên được chức Tổng thống đều là do đảo chính chứ không phải vì thành tích mặt trận. Có được ghế Tổng thống rồi, ông Thiệu lại tập trung hết quyền bính trong tay, biến Bộ Tổng Tham mưu thành một cơ cấu thư ký, không được tự ra quyết sách (vì ông Thiệu sợ rằng đến lượt chính mình sẽ bị người khác đảo chính lật đổ). Qua màng lọc của hệ thống phe đảng của Tổng thống Thiệu, những cấp chỉ huy có tiềm năng nhưng không có thế lực chính trị đỡ đầu thì thường bị chết trận hay bị loại ngũ. Suốt 10 năm Quân lực Việt Nam Cộng hòa tác chiến dựa vào hỏa lực mạnh của Quân đội Hoa Kỳ, nên khi không còn hỏa lực Mỹ nữa thì bị lâm vào lúng túng. Hiệp định Paris 1973 khiến binh sĩ hoang mang rằng "Mỹ đã bỏ rơi chăng? Nếu Mỹ còn không đánh lại thì sao mà tự đánh được?", thế là tinh thần chiến đấu càng sụt giảm. Có đơn vị tự ý bỏ chạy khi vừa bị một viên pháo nã vu vơ vào đồn, đơn vị khác thì nghe tiếng máy cày trong đêm đã vội báo cáo tăng địch xuất hiện[40].

Craig A. Lockard nhận xét rằng "trong sự khinh thường của những người Mỹ mà họ phục vụ, Việt Nam Cộng hòa chỉ là một thứ công cụ để hợp thức hóa việc phê chuẩn, nếu không phải là thường bị loại ra khỏi sự chỉ đạo của Mỹ. Việt Nam Cộng hòa hiếm khi đưa ra chính sách lớn, họ thậm chí còn không được tham khảo ý kiến về quyết định của Mỹ năm 1965 đưa một lực lượng lớn quân vào tham chiến trên bộ."[43] Suốt nhiều năm phụ thuộc vào quân Mỹ đã khiến các chỉ huy Việt Nam Cộng hòa không còn đủ khả năng để tự đưa ra các quyết sách trên chiến trường.

Nạn tham nhũng

Binh sĩ Việt Nam Cộng hòa đang cố bám vào càng một chiếc trực thăng UH-1 để di tản trong trận An Lộc

Nạn tham nhũng làm hao mòn trang bị và sức chiến đấu của quân đội: như cả nửa triệu tấn gạo biến mất khỏi các kho lương thực trong năm 1967. Súng cũng được tuồn ra bán với giá 25-30 đôla một khẩu. Nếu ai muốn mua một xe bọc thép hoặc một máy bay lên thẳng thì việc đó cũng có thể dàn xếp được. Hồi ký Nguyễn Cao Kỳ nêu trường hợp Tư lệnh đồng bằng sông Cửu Long đã lấy cắp 8.000 đài vô tuyến và 24.000 vũ khí cá nhân do Hoa Kỳ trang bị và sớm tiêu thụ hết sạch sành sanh, tài liệu mật từ Tòa đại sứ Mỹ cho biết phần lớn số đó đã lọt vào tay quân Giải phóng[44]

Nhà sử học Vũ Ngự Chiêu nhận xét: cả guồng máy chống cộng của Việt Nam Cộng hòa giống một thứ siêu thị, người ta mua bán bất cứ thứ gì có thể sinh lợi, từ chức tước tới tấm giấy miễn quân dịch. Từ hồ sơ mật an ninh quốc phòng tới đạn dược, thuốc men, vật tư chiến tranh, từ góc phố tới nha sở, dinh thự. Mạng lưới tham nhũng khi đó rất tinh vi, và hễ có tiền là mua được tất cả, kể cả vũ khí. Thực tế, ngay đến Tư lệnh Quân khu, Sư đoàn, Tiểu khu trưởng... cũng đứng ra bảo trợ cho việc buôn lậu. Được dư luận biết đến nhiều nhất có vụ "lính ma, lính kiểng" của Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư lệnh Quân đoàn IV, hay đoàn xe buôn lậu có Quân cảnh hộ tống do các mệnh phụ phu nhân của các tướng lĩnh – thường được gọi là “Mặt Trời Cái” – bảo trợ. Đó là chưa kể đường dây buôn lậu nha phiến, ngoại tệ và phế liệu chiến tranh do các tướng lĩnh Thiệu, Khiêm và Kỳ đứng đầu[40].

Ngay cả đến người đứng đầu là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cũng dung túng cho vợ mình tham gia buôn lậu. Năm 1974, một vụ buôn lậu của bà Mai Anh (vợ Nguyễn Văn Thiệu) bị phát hiện, trị giá lô hàng gồm nhiều thứ xa xỉ phẩm hàng hiệu, trị giá khoảng 600 triệu đồng tiền Việt Nam Cộng hòa thời bấy giờ (tương đương 3 triệu USD thời giá năm 1974, hoặc 20 triệu USD thời giá năm 2017). Những người phát hiện vụ việc thay vì được khen thưởng đã bị tống giam, trong khi không có ai đứng đầu tổ chức buôn lậu này bị xét xử[45][46].

Nhà báo người Mỹ William J. Lederer, trong chuyến điều tra năm 1968, đã nhận xét rằng kẻ thù tồi tệ nhất của Mỹ chính là nạn tham nhũng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, hàng tỷ USD viện trợ của Mỹ đã bị tham ô rồi bán ra chợ đen. Ông đã chứng kiến những kho hàng lậu đầy ắp vũ khí quân dụng, có tới cả 1.000 khẩu súng trường, bao gồm cả loại súng M16 hiện đại. Quy mô buôn lậu lên tới hàng tỷ USD, với sự tham gia của đủ các thành phần: quan chức Việt Nam Cộng hòa, thương nhân Mỹ và Đài Loan, binh lính Mỹ, Hàn Quốc, Philippines... Ngay cả Mặt trận Dân tộc Giải phóng cũng tận dụng nạn tham nhũng của đối phương để mua vũ khí Mỹ đánh lại chính quân Mỹ. Quan chức Mỹ biết rõ tình trạng đó, nhưng chẳng làm gì bởi họ cần tiếp tục viện trợ để duy trì sự tồn tại của chế độ Việt Nam Cộng hòa. William J. Lederer nhận xét: "Tôi đã thấy Hoa Kỳ sẽ bị đánh bại như thế nào - không phải chỉ bằng sức mạnh của đối phương, mà còn bởi chính những sai lầm của mình, sự bất lực của chính mình"[47]

Tinh thần chiến đấu thấp

Tướng Nguyễn Cao Kỳ và tướng Ngô Quang Trưởng của VNCH khi chạy ra tàu sân bay Mỹ vào ngày 29/4/1975

Vấn đề quan trọng nhất vẫn là tổ chức và con người. Tại một nước có truyền thống Nho giáo như Việt Nam, các nhà lãnh đạo phải thể hiện được lối sống đạo đức và tài năng của bản thân trong một tập thể chung. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa miền Nam Việt Nam và các nhà lãnh đạo của họ thể hiện được lý tưởng hết sức quan trọng này. Ngược lại, chính phủ Việt Nam Cộng hòa thì không ngừng tham gia vào các âm mưu chính trị, tham nhũng quá nhiều, và thiếu ổn định, do đó làm sụt giảm sự ủng hộ và làm xói mòn tinh thần của binh sĩ Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Nạn đào ngũ là một vấn đề nghiêm trọng đối với Việt Nam Cộng hòa. Từ năm 1965 đến năm 1972, ước tính có khoảng 840.000 binh sĩ đã đào ngũ. Riêng từ tháng 4 tới tháng 12/1974, có 176.000 lính đào ngũ (trung bình mỗi tháng có 24.000 lính đào ngũ). Tại các lực lượng tinh nhuệ của quân đội, Biệt động quân có tỷ lệ đào ngũ lớn nhất (55%), tiếp theo là các đơn vị dù (30%) và Thủy quân Lục chiến (15%). Trong khi đó, Quân Giải phóng miền Nam rất ít khi đào ngũ hoặc chịu đầu hàng; họ đã duy trì một lợi thế tâm lý mạnh mẽ, với những người lính tràn đầy tinh thần sẵn sàng hy sinh mục đích cá nhân để cống hiến cho nỗ lực chiến tranh của tập thể.[48].

Theo William Colby, người từng đứng đầu tổ chức tình báo CIA tại Việt Nam Cộng hòa thì quân đội "Được huấn luyện theo chiến thuật Hoa Kỳ, thì nay họ lại phải vận dụng chiến thuật ấy trong điều kiện thiếu thốn đạn dược, máy bay khác hẳn những gì họ đã học" và "giới quân sự Nam Việt Nam trước viễn cảnh của một trận chiến đấu cuối cùng đầy tuyệt vọng, đã bắt đầu quan tâm nhiều đến sự sống còn của gia đình mình hơn là quan tâm đến lợi ích chung"[49]. Ký giả Alan Dawson nhận xét: Đội quân này trang bị vũ khí tốt hơn bất kỳ nước châu Á nào khác, có nhiều máy bay chiến đấu, có nhiều đạn dược, xăng dầu, quân cụ, xe cộ và lương thực hơn hầu hết các quân đội trên thế giới. Nó chỉ thiếu mỗi một điều thôi. Một người Mỹ nói với một binh sĩ Sài Gòn rằng: Chúng tôi đã cho anh mọi thứ anh cần, trừ sự dũng cảm. Chỉ tại anh không có thứ ấy. [50]

Ngày 12/11/1968, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Clark Cliffords gửi thư công khai cảnh cáo Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu rằng:

"...Chỉ cần Quân lực Việt Nam Cộng hòa có được nửa lá gan của người cộng sản, thì ngày hôm nay quân đội Hoa Kỳ có thể duyệt binh ở thủ đô Hà Nội rồi, Quân đội của các ông chỉ biết bắn giết dân thường, bám theo sau và rút chạy trước, tướng lĩnh thì toàn tham nhũng, toàn hiếp dâm và chỉ giỏi nhảy đầm."

Ngay sau thất bại trong chiến dịch Đường 14 - Phước Long (tháng 1/1975), cố vấn Mỹ John Pilger đã tiên liệu chính xác rằng sự sụp đổ của quân đội Sài Gòn sẽ sớm diễn ra. Ông viết:

Sài Gòn đang sụp đổ trước mắt, một Sài Gòn được người Mỹ hậu thuẫn, một thành phố được coi là "thủ đô tiêu dùng" nhưng chẳng hề sản xuất được một mặt hàng nào ngoài chiến tranh. Trong hàng ngũ của quân đội lớn thứ tư thế giới vào thời điểm đó, binh lính đang đào ngũ với tốc độ cả nghìn người trong một ngày...[51]

Cuối năm 2005, khi về Việt Nam và trả lời phỏng vấn của báo Thanh Niên Việt Nam, cựu tướng Nguyễn Cao Kỳ, nguyên Phó Tổng thống kiêm Tư lệnh Không quân Việt Nam Cộng hòa nhận định rằng:

"Mỹ luôn luôn đứng ra trước sân khấu, làm "kép nhất". Vì vậy ai cũng cho rằng đây là cuộc chiến tranh của người Mỹ và chúng tôi là những lính đánh thuê.

Tôi biết rất rõ ràng về cái gọi là những người chỉ huy, những ông tướng lĩnh. Từ cái ông Thiệu đến những ông khác dưới trướng, xin lỗi, toàn là những vị ăn chơi phè phỡn, tài chẳng có mà đức cũng không. Trước đây có "ông" Mỹ đứng sau thì không có chuyện gì, nhưng khi phải một mình trực tiếp đối diện với khó khăn thì bản chất cũng như tài năng lộ ra ngay.

Trong một cuộc chiến, nói gì thì nói, theo tôi quan trọng nhất vẫn là lực lượng, là quân đội. Quân đội miền Nam Việt Nam, không có ai đáng giá cả, kể từ ông Nguyễn Văn Thiệu - Tổng thống kiêm Tổng tư lệnh Việt Nam Cộng hòa - trở xuống. Trong số những vị cùng vai vế với tôi, cứ mười ông thì đến mười một ông tham sống sợ chết! Trong khi đó, miền Bắc (Quân đội Nhân dân Việt Nam) các chỉ huy lại có rất nhiều kinh nghiệm chiến trường, được cấp dưới tin cậy và kính trọng về nhân cách, đó là sự hơn hẳn.[52]

Liên quan

Quân đội nhân dân Việt Nam Quân chủng Hải quân, Quân đội nhân dân Việt Nam Quân chủng Phòng không – Không quân, Quân đội nhân dân Việt Nam Quân khu 7, Quân đội nhân dân Việt Nam Quân khu 1, Quân đội nhân dân Việt Nam Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Quân khu 5, Quân đội nhân dân Việt Nam Quân khu 2, Quân đội nhân dân Việt Nam Quân khu 9, Quân đội nhân dân Việt Nam Quần đảo Trường Sa

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Quân_lực_Việt_Nam_Cộng_hòa http://monumentaustralia.org.au/themes/conflict/vi... http://news.abs-cbn.com/global-filipino/07/11/11/s... http://baocalitoday.com/vn/tin-tuc/cong-dong/vietn... http://www.bietdongquan.com/ http://www.buttondepress.com/secretstuff/ttu2006/r... http://www.doisongphapluat.com/phap-1uat/ho-so-vu-... http://www.ebay.com/itm/flag93-Vietnam-RVN-flag-Ai... http://ic.galegroup.com/ic/uhic/ReferenceDetailsPa... http://www.greenspun.com/bboard/q-and-a-fetch-msg.... http://www.kbc4100.com/TSU.htm